Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2010

Bố đã gạt từng giọt mồ hôi để con được ăn học

T còn nhớ trong bài kiểm tra kết thúc chương trình mẫu giáo, chuẩn bị vào lớp 1 của đứa em gái có rất nhiều câu hỏi về gia đình cũng như những thông tin cá nhân. Trong những câu hỏi đó, có câu hỏi: bố mẹ em làm nghề gì? Không cần thời gian suy nghĩ,vì đây là câu nói đã thuộc lòng của đứa bé 5 tuổi, nó hồn nhiên, mở to đôi mắt tròn xoe đen nhánh tự tin trả lời: “Dạ! bố em đi mài dao, mẹ em đi bán rượu ạ!”. Cô giáo rất vui về câu trả lời hồn nhiên và trung thực của đứa bé. Cô giáo điền hai cặp từ “bán rượu” và “mài dao” vào hai chỗ trống trong phiếu trả lời.

Đã qua hơn 10 năm, phiếu trả lời chẳng có giá trị ấy vẫn được mẹ T “ém” ở đáy tủ. Không có ngụ ý gì cả, mẹ T giữ nó chỉ đơn thuần là để lưu trữ khoảnh khắc đứa con gái bé bỏng của mình “tốt nghiệp mẫu giáo”. Thời gian cứ thế thấm thoắt trôi đi, T và đứa em gái bé bỏng ấy cứ lớn dần cùng với tiếng lách cách thoi đưa dệt vải của bà, cùng với những trò chơi của hai anh em thuở nhỏ, cùng với hành trình “sáng đi, tối về”, cùng những tiếng mài dao và lời mời chào bán hàng của bố mẹ .


Hôm nay, T chuyển chỗ trọ, chẳng là chỗ trọ mới rẻ hơn và có người bạn ở cùng nên sau một tháng nhập học, T đã quyết định chuyển đến nơi trọ mới.

Bác ơi! Bác có chở đồ không? - T hỏi người lái xích lô, trong khi thấy hơi ái ngại bởi xe bẩn quá, toàn bụi xi măng với đất cát.

Có chứ! Cháu chuyển chỗ trọ hả? Đi đâu? Bác chuyển đồ cho, dạo này cũng có nhiều sinh viên năm thứ tư chuyển đi, Bác chở suốt ấy mà.

Dù chiếc xe hơi bẩn, nhưng thời buổi này bói đâu ra phương tiện nào khác rẻ hơn để chuyển đồ nên T hỏi giá ngay:

Từ dốc đê trường Nông Lâm đến dốc Quan Tài là bao nhiêu hả bác?

Bác xem cháu như con cháu trong nhà, 30 nghìn thôi. –bác vui vẻ đáp

Cháu là sinh viên, bác biết rồi đấy! Thương cháu bác nói đúng giá đi.

20 nghìn nhé! Quá rẻ còn gì, đây là bác đang ngồi không nên mới có giá ấy, tẹo nữa có khách gọi chắc bác chẳng giúp cháu được đâu! Cháu thử nghĩ xem....- Bác luyến thoắng.

Sau một hồi thương lượng T lên xe về chỗ trọ cũ, chuyển tất cả đồ từ chăn màn, chai, lọ… đủ cả lên xe. T ngồi phía sau, phía trước bác xích lô đạp phăng phăng lên dốc, lúc khác lại xuống dốc, chắc là bác mệt lắm! T hỏi chuyện bác từ trên trời đến dưới đất, dần dà đến chuyện gia đình bác. Bác kể, gia đình bác có 5 người, bác gái thì ở Hà Nội cùng với người anh cả đang học Đại Học Quốc Gia. Bác thì ở trên này với hai người con còn lại, một cũng đang học Công Nghiệp, một sắp thi đại học. Hai bác phải ở hai nơi xa nhau, chẳng mấy khi quây quần đủ năm người, nhưng cả hai đều nỗ lực để cho các con ăn học. Vốn là người đa cảm, T lặng im và xúc động nghe bác kể. Bác nói với T những điều ấy với tất cả niềm tự hào. Bác bảo cuộc sống gia đình vất vả lắm, được cái các con bác ngoan ngoãn, ham học nên bác thấy rất vui. Bác còn kể, đợt trước có đài truyền hình tỉnh ghi hình, phỏng vấn gia đình bác.


Bố cháu làm nghề gì? Bác bất ngờ hỏi khiến T đang chìm trong cơn xúc động, bỗng giật mình.

À... Uhm… Bố cháu cũng làm thuê ở chợ thôi ạ. – T trả lời.

Làm gì? - Bác hỏi gặng.

Mài dao ạ. Thấy bác hỏi gặng, dù không muốn nhắc đến nhưng T đành phải trả lời.

T ngồi sau bác nên không biết bác biểu lộ tâm trạng thế nào, nhưng bác lại hỏi tiếp: Kiếm không?

Da, tàm tạm, chắc là đủ ăn bác ạ! – T trả lời.

T không còn nhớ rõ bác còn hỏi và nói tiếp những gì, nhưng câu nói của bác khiến T bừng tỉnh là: “Mài dao mà cũng nuôi được con học đại học”.

T không biết câu chuyện bác kể về gia đình có thật không, T cũng không biết câu vừa rồi bác nói có ý gì. Nhưng ngồi đằng sau xe lúc này, T lại không muốn biết câu trả lời cho những thắc mắc trên. Tâm trạng đang bao trùm lên T lúc này là một tâm trạng buồn khó tả. T đã khóc, chỉ đơn thuần là vài giọt nước ướt mi của một thằng con trai gần tròn 18 tuổi. Cùng với vòng xoay của bánh xe và những giọt mồ hôi trên lưng bác lái xe xích lô, T nhớ đến bố, T nghĩ đến bố, giờ này chắc bố cũng đang gập lưng, tì mạnh xuống con dao đẩy đi trên hòn đá, từng con, từng con dao một. Tay áo đã lấm lem từng vết, từng vết... Bố đã gạt đi những giọt mồ hôi, đẩy từng con dao, tích cóp từng đồng để đủ tiền gửi cho T lên trên này ăn học.
Lúc này T cảm thấy câu chuyện của gia đình mình còn xúc động hơn nhiều những câu chuyện khác.

T gạt nước mắt, gọi khẽ: Bố ơi!
                                                                                                           tác giả:duytungtuoi20       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment khi thấy bài viết có ích! Chúc bạn vui vẻ!(*_*)

Tìm kiếm Blog này