Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Bằng tuổi

Khi người ta bằng tuổi tôi, người ta có thể. Khi tôi bằng tuổi người ta, tôi không thể.
Hướng Thiện
Khi tôi 18...
Bằng tuổi tôi, người ta đã là người lớn. Là người lớn, có nghĩa là người ta được quyền quyết định (vâng, quyền này "to" lắm nhé, có khi còn "oách" hơn quyền bầu cử nữa chứ). Họ được quyết định những gì? - Được over night, được thích thì học không thích thì đi chơi, thậm chí nghỉ luôn tìm việc kiếm tiền xài. Được quyền tự do yêu đương nay em này mai em khác, thậm chí đi "tàu bay" nhà nghỉ qua đêm mà chẳng kẻ nào dám lên tiếng (vì trên 18 rồi mà, đủ tuổi "đối phó" với Luật rồi, sợ đếch gì). Mà thích em nào rồi thì... go go go a` lề à lế... cưới luôn. Ở được thì ở, không được thì lại ra tòa chia tài sản. Chuyện nhỏ như con chó Chihuahua!
Bằng tuổi tôi, người ta con đùm đề 2-3 đứa. Có đứa còn vi phạm kế hoạch hóa gia đình, thế là cả tổ của nó bị phạt mất tiền tiên tiến gần chục chai. Hậu quả của con đàn cháu đống là phải "đền bù" cho phòng một chầu karaoke. Vừa tốn tiền đẻ vừa tốn tiền đền. Cũng chẳng mấy khi, vui là chính. Kệ!
Bằng tuổi tôi, người ta đã làm sếp, làm manager, làm director các công ty, thậm chí khối đứa đã có "địa bàn riêng", tức là từ bỏ kiếp đời tôi tớ để lên làm sếp. Ra trường đi làm kiếp nhân viên được có mấy năm là thấy "nhục" lắm rồi, chỉ muốn vươn lên sống đời làm chủ. Khâm phục, ngưỡng mộ... có chút ghen ghen. Thì thói đời con người hay ghen ăn tức ở mà. Tha thứ được, bỏ qua được!
Khi bằng tuổi tôi, người ta làm được biết bao nhiêu việc. Tất nhiên có việc tốt (đáng tuyên dương) và cả việc chưa tốt (rút kinh nghiệm) và việc xấu (bị trừng phạt). Nhưng dẫu sao thì người ta cũng đã dám làm những gì người ta nghĩ, dám thực hiện những gì người ta muốn. Có thành công, có thất bại, nhưng cũng xem như "sống mà không uổng cuộc đời".
Bẳng tuổi tôi người ta như thế đó. Còn tôi?
Khi tôi bằng tuổi người ta...
18 tuổi, không dám lên tiếng rằng "con không thích học đại học", chỉ biết làm theo chỉ dẫn trường này, trường nọ, trường kia... của người lớn. Rồi thì cũng đậu, tất nhiên là điểm không cao, nhưng vẫn có cái để bố mẹ tự hào, rồi lấy đó làm cái "Hiếu" của mình. Rồi cũng rớt lên rớt xuống, cũng thức bao đêm "giành" học bổng, cũng được ra trường với tấm bằng "khá" như ai, để được vênh mặt nhìn đám bạn "trung bình" hoặc "trung bình khá" và lũ bạn đang trầy vi tróc vảy ôn thi tốt nghiệp (những đứa "chưa" đủ điểm làm luận văn). Cũng thấy mình nhìn lên chẳng bằng ai, nhìn xuống cũng hơn khối thằng. Cuộc sống thế thì... cũng được!
Bằng tuổi tôi, người ta nhanh chóng xin được việc làm sau khi ra trường. Còn tôi chật vật với hơn 40 bộ hồ sơ (công chứng nhiều đến nỗi "bà công chứng" quen mặt luôn). Rồi cũng có công việc. Cũng bị đì lên đì xuống. Cũng bị ghét bỏ, tẩy chay. Cũng học được nhiều cái "khôn" ở đời để kéo người ta về phe mình. Nhưng mà vẫn tay trắng khi đi qua cái tuổi 1/4 của 100 năm. Chán!!!
Bằng tuổi tôi, người ta đã có vị trí cao trong xã hội. Bằng tuổi người ta, tôi vẫn "còng lưng" làm nhân viên quèn. Cũng có đôi lúc tính đổi đời như bao kẻ khác, nhưng tính tới tính lui lại đâm ra sợ. Lại nghĩ "nhát nhát đỡ hơn vô nhà xác", thế là mấy lần xây kho tàng trên bãi cát vu vơ. Cũng có khi được sếp thương mà cất nhắc lên, nhưng lại lo "tư nhân" sống nay chết mai, ai biết được. Rồi lại nghĩ nghĩ, tính tính, rồi lại dứt áo ra đi mặc sếp giận hờn, để đến một chân trời khác mà bản thân, và người khác cho là "ổn định" hơn. Đôi lúc nghĩ lại cũng tiêng tiếc.
Nhưng mà cũng nghĩ thôi thân gái học giỏi ham cao làm gì. Không khéo lại chẳng ma nào dám đụng. Con trai mà, bao giờ chẳng tự ái, tự kiêu, và tự cao. Dễ gì có "thằng" chịu "lép vế" với vợ?
Bằng tuổi tôi, khi năm 2 đại học, người ta được hưởng niềm vui của "tình sinh viên" bao nhiêu thì tôi lại sống trong nỗi sợ hãi bấy nhiêu. Sợ điều gì? Sợ bố mẹ biết. Bố mẹ cấm các con yêu khi còn đi học. Vì vậy, tình yêu sinh viên đầu tiên lén lút và vụn vỡ chóng vánh như bọt xà phòng. Rồi khi đi làm, lại quen, lại yêu như chưa bao giờ yêu, nhưng mà "cái tôi" lại vượt quá tầm kiểm soát. Khi người ta đòi hỏi mình một sự "hy sinh" thì mình lập tức, giãy nảy lên như gà cắt tiết. Thói đời rồi, quen việc người ta vì mình chứ không chấp nhận mình vì người khác. Ích kỷ, nhỏ mọn! Ừ, nhưng cũng tự trấn an mình: giữa gia đình và tình yêu, mình đã chọn gia đình. Tình yêu mất còn có thể tìm tình yêu khác, thậm chí có thể sau này sống không cần tình yêu, còn gia đình thì... không thể bỏ. Thôi thì cũng có một lý do...
Bằng tuổi tôi, người ta dám yêu dám hận. Còn khi tôi bằng tuổi người ta, chẳng dám nghĩ đến chuyện gì. Bạn tôi, đồng nghiệp tôi có thể yêu và lấy vợ lớn hơn 2-3 tuổi, còn tôi thì không thể yêu và chấp nhận người trẻ con hơn mình. 2-3 tuổi là một khoảng cách rất dài, rất xa, nếu không có "tình yêu sắt thép" thì không thể nào đi tiếp được. Không hiểu sao tôi lại thích gọi một mối tình "khắc cốt ghi tâm" là tình yêu sắt thép hơn là tình yêu kim cương, hay tình yêu vàng, hay đại loại như thế. Có lẽ vì theo quan niệm hóa học và vật lý học của tôi thì tình yêu cũng như sắt, có lúc lạnh căm căm & cứng nhắc, có lúc nóng chảy và mềm dẻo, có thể uốn thành hình này, hình khác theo yêu cầu cuộc sống. Kim cương đâu có làm được điều đó.
Còn vàng thì.... giá vàng đang ấm dần theo nhiệt độ trái đất. Nếu có tình yêu vàng, biết đâu tôi lại cầm lòng không nỗi mà bán nó đi ngay khi nó vượt sàn. Thế đấy, tình yêu bao giờ cũng sống trong tình trạng cân đong đo đếm, sao mà "thọ" nổi.
Khi người ta bằng tuổi tôi, khi tôi bằng tuổi người ta, 1 mức tuổi, 2 cách nhìn cuộc đời. Chỉ biết nói rằng: môi trường tạo ra tôi như thế và người ta như thế. Vẫn có thể sống, chỉ là vui hay không.
Khi người ta bằng tuổi tôi, người ta có thể. Khi tôi bằng tuổi người ta, tôi không thể.
Là vì tôi còn thiếu một chút liều...
để tạo nên một sự đổi thay...
Vài nét về blogger:









                                                                                                                    Theo_ngoisao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment khi thấy bài viết có ích! Chúc bạn vui vẻ!(*_*)

Tìm kiếm Blog này