Giáp Văn Dương
Socrates: Tôi chỉ biết một điều
là tôi không biết gì cả.
Socrates: Tôi chỉ biết một điều
là tôi không biết gì cả.
Hoài
nghi không phá vỡ chân lý, mà ngược lại, làm mới và nâng đỡ chân lý
trong một chu trình biện chứng bất tận không ngừng nghỉ của nhận thức.
Hoài nghi
Phương Tây có một câu châm ngôn được sử dụng phổ biến: Hãy nghi ngờ tất cả!
Vì
sao người phương Tây lại đặt nặng việc hoài nghi như vậy? Vì qua truyền
thống khoa học và triết học, họ phát hiện ra rằng: Hoài nghi là khởi
đầu của tiến bộ, là con đường đi tới chân lý, là sự giải phóng lý trí
triệt để nhất.
Khi lý trí
hoài nghi, lý trí quay lại tự vấn chính bản thân mình, từ đó tự giải
phóng cho mình khỏi tình trạng lệ thuộc vào lý trí của kẻ khác hoặc
những giáo điều và quán tính tư duy sẵn có.
Truyền
thống hoài nghi trong tư duy của phương Tây được khởi đầu từ triết học,
trước hết qua phép truy vấn biện chứng của Socrates, sau đó lan sang
khoa học, và hoàn thiện trở thành thói quen tư duy lành mạnh, một phương
tiện quan trọng để đi tới chân lý.
Socrates
đã sử dụng hoài nghi như một phần tất yếu của truy vấn biện chứng: khi
một ý tưởng hoặc một nhận định được nêu ra như một chính đề, thì sẽ ngay lập tức bị hoài nghi nhằm xác định lại tính đúng đắn của nó dưới dạng một phản đề, rồi trên cơ sở đó hình thành nên một hợp đề có tính chân lý cao hơn. Hợp đề, đến lượt nó, lại trở thành chính đề
cho một quá trình truy vấn mới, cho đến khi đạt được chân lý, hoặc thực
tiễn hơn, đạt đến giới hạn của nhận thức tại thời điểm đó. Như thế,
hoài nghi không chỉ là phương tiện để đạt được chân lý, mà còn giúp xác
định được giới hạn của tri thức và phạm vi áp dụng của chân lý.