Giáp Văn Dương
Socrates: Tôi chỉ biết một điều
là tôi không biết gì cả.
Nguồn:http://tiasang.com.vn/
Socrates: Tôi chỉ biết một điều
là tôi không biết gì cả.
Hoài
nghi không phá vỡ chân lý, mà ngược lại, làm mới và nâng đỡ chân lý
trong một chu trình biện chứng bất tận không ngừng nghỉ của nhận thức.
Hoài nghi
Phương Tây có một câu châm ngôn được sử dụng phổ biến: Hãy nghi ngờ tất cả!
Vì
sao người phương Tây lại đặt nặng việc hoài nghi như vậy? Vì qua truyền
thống khoa học và triết học, họ phát hiện ra rằng: Hoài nghi là khởi
đầu của tiến bộ, là con đường đi tới chân lý, là sự giải phóng lý trí
triệt để nhất.
Khi lý trí
hoài nghi, lý trí quay lại tự vấn chính bản thân mình, từ đó tự giải
phóng cho mình khỏi tình trạng lệ thuộc vào lý trí của kẻ khác hoặc
những giáo điều và quán tính tư duy sẵn có.
Truyền
thống hoài nghi trong tư duy của phương Tây được khởi đầu từ triết học,
trước hết qua phép truy vấn biện chứng của Socrates, sau đó lan sang
khoa học, và hoàn thiện trở thành thói quen tư duy lành mạnh, một phương
tiện quan trọng để đi tới chân lý.
Socrates
đã sử dụng hoài nghi như một phần tất yếu của truy vấn biện chứng: khi
một ý tưởng hoặc một nhận định được nêu ra như một chính đề, thì sẽ ngay lập tức bị hoài nghi nhằm xác định lại tính đúng đắn của nó dưới dạng một phản đề, rồi trên cơ sở đó hình thành nên một hợp đề có tính chân lý cao hơn. Hợp đề, đến lượt nó, lại trở thành chính đề
cho một quá trình truy vấn mới, cho đến khi đạt được chân lý, hoặc thực
tiễn hơn, đạt đến giới hạn của nhận thức tại thời điểm đó. Như thế,
hoài nghi không chỉ là phương tiện để đạt được chân lý, mà còn giúp xác
định được giới hạn của tri thức và phạm vi áp dụng của chân lý.
Câu nói nổi tiếng của Socrates là: Tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả.
Nhưng nghịch lý ở chỗ, người không biết gì cả này lại được coi là người
thông thái nhất đương thời. Khi Chaerephon, một người bạn của Socrates,
đến hỏi nhà nữ tiên tri, cũng là vị tư tế ở đền thờ Thần Mặt Trời thành
Delphi, rằng có ai thông thái hơn Socrates không, thì được trả lời:
Không!
Socrates không chấp
nhận những niềm tin hay xác tín đã bám rễ lâu đời trong truyền thống và
huyền thoại. Chính ông đã thôi thúc người đối thoại phải biện minh và
cắt nghĩa những xác tín của mình thông qua một chuỗi những câu hỏi truy
vấn liên tục – hình thức cụ thể của hoài nghi.
Sau
Socrates, Decartes – nhà Triết học và Toán học Pháp – cũng đã sử dụng
hoài nghi như một phương tiện chủ đạo để xác lập tính tuyệt đối trong
các kết luận của mình, nhằm làm nền tảng cho việc xây dựng hệ thống tri
thức về sau. Ông nghi ngờ mọi thứ, ngay cả sự tồn tại của bản thân mình,
nhằm quét sạch mọi quan niệm đã có, để từ đó từng bước xây dựng hệ
thống tri thức của mình một cách khả tín và vững chắc. Chính việc hoài
nghi này, đã dẫn ông đến một kết luận nổi tiếng về sự tồn tại của bản
mình qua câu nói: Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại.
“Sự
tiến bộ của nhận thức, không chỉ đạt được do tìm ra những mảnh đất tri
thức mới chưa từng khai phá, mà còn do tìm ra những cách nhìn mới về một
sự vật hiện tượng cũ”. Hoài nghi những cách thức nhìn nhận cũ chính là
cách dễ nhất để tìm ra những cách nhìn nhận mới đó. Vì thế, hoài nghi
vừa là xuất phát điểm, vừa là động lực của việc mở mang tri thức.
Khi
mất khả năng hoài nghi, lý trí sẽ trở nên tê liệt. Một người không biết
hoài nghi, tức một người hành động theo những niềm tin được lập trình
trước, về bản chất không khác gì so với một cỗ máy.
Khả
năng hoài nghi, biểu hiện trước hết bằng khả năng tự đặt câu hỏi và
chối bỏ áp đặt của truyền thống và xác tín giáo điều, theo một nghĩa nào
đó, chính là thước đo mức độ trưởng thành của một con người. Nếu một
người không có khả năng hoài nghi, chỉ tin vào những tín điều do người
khác giao giảng, thì về bản chất, người đó vẫn còn ở thời kỳ thơ ấu.
Với
một xã hội, cũng giống như một cá nhân, khả năng hoài nghi và chối bỏ
áp đặt cũng chính là thước đo sự trưởng thành về mặt tinh thần của xã
hội đó. Nếu một xã hội không biết hoài nghi, chỉ đồng thuận tin theo
những tín điều, thì xã hội đó còn chưa thoát khỏi thời kỳ ấu trĩ.
Vì
thế, ngăn chặn khả năng hoài nghi của một cá nhân, trực tiếp hoặc gián
tiếp, chính là phá hoại sự phát triển lành mạnh của cá nhân đó; hạn chế
khả năng hoài nghi của xã hội chính là kéo lùi sự phát triển lành mạnh
của xã hội đó.
Chân lý
Chân
lý là đích đến của việc tìm kiếm tri thức. Nhưng chân lý không bất
biến, vĩnh cửu. Chân lý luôn được cập nhật cùng sự phát triển của nhận
thức. Và một trong những cách thức chủ yếu để cập nhật chân lý là hoài
nghi chân lý đó. Hiểu như thế thì hoài nghi là bổ trợ của chân lý chứ
không phải là chống đối chân lý.
Thực
tế trong khoa học và triết học cho thấy, biết đặt câu hỏi thậm chí còn
quan trọng hơn biết câu trả lời. Vì biết đặt câu hỏi là biết xúc tiến
một hành trình đi tìm chân lý, còn biết câu trả lời là tạm thời chấm dứt
hành trình đó.
Điều này cho
thấy, giữa hoài nghi và chân lý có mối quan hệ biện chứng qua lại lẫn
nhau, bổ trợ lẫn nhau. Không thể đạt được chân lý nếu không biết cách
hoài nghi lành mạnh. Và chân lý, với tính tương đối của nó, nếu không có
hoài nghi để tự hoàn thiện mình, sẽ tha hóa thành giáo điều dưới sự
phát triển của những nhận thức mới.
Nếu
nhìn qua những thành tựu của tư tưởng của nhân loại, sẽ không có thành
tựu nào thiếu vắng hoài nghi như một sự dẫn đường. Những đỉnh cao mới ra
đời, đều xuất phát từ sự hoài nghi một đỉnh cao cũ, và tìm cách vượt
qua nó bằng một quá trình nhận thức mới.
Những
thành tựu của khoa học kĩ thuật đạt được không phải bởi tư duy tư biện
của lý trí thuần túy, mà phần lớn bởi những thực nghiệm và quan sát được
thiết kết để kiểm tra – một biểu hiện cụ thể của hoài nghi -một giả
thuyết đã xác lập. Hoài nghi vì thế là linh hồn của mọi hoạt động nghiên
cứu tìm tòi.
Những thành tựu
của Toán học và Vật lý học cho thấy, sự bất toàn, bất định và bổ sung
nhau là bản chất của tri thức. Nên hoài nghi – đặc tính gắn liền với sự
bất toàn và bất định – trở thành đặc tính không thể tách rời của chân
lý. Chính hoài nghi đã thổi sức sống cho chân lý, làm cho chân lý sống
động, uyển chuyển, luôn tự cập nhật làm mới mình dưới ánh sáng của những
nhận thức mới.
Nếu tách hoài
nghi ra khỏi chân lý, chân lý sẽ mất hết sức sống và trở nên cằn cỗi, xơ
cứng theo thời gian. Chân lý sẽ thoái hóa trở thành giáo điều và kìm
hãm, thậm chí phá hoại, quá trình nhận thức những chân lý mới đúng đắn
hơn.
Như vậy, hoài nghi không
phá vỡ chân lý, mà ngược lại, làm mới và nâng đỡ chân lý trong một chu
trình biện chứng bất tận không ngừng nghỉ của nhận thức. Và để đạt được
chân lý, khả năng hoài nghi cần phải được khai phóng như một sự tất yếu.
Nguồn:http://tiasang.com.vn/
"Để nhận thức được chân lý, chúng ta không chỉ phải biết cái đó và những cái sinh ra từ cái đó, mà còn phải biết những cái không đó và những cái được sinh ra từ những cái không đó" - Luận điểm thứ 2 chứng minh cho phép biện chứng của cụ Plato.
Trả lờiXóaNgười càng hiểu biết nhiều, thì càng nghi ngờ nhiều. Tình hiểu biết và sự nghi ngờ là hai vấn để tỷ lệ thuận về bản chất!
Cảm ơn bạn vì đã đồng quan điểm với tôi!
Chúc thành công!
Đông thời càng nghi ngờ nhiều chúng ta sẽ càng đi hiểu nhiều và đi sâu hơn! Lợi nhận xét của bạn, thật sự mình rất thích.
Trả lờiXóa