Tại sao khi con người muốn ăn ngon thì cùng lúc con người cũng rước lấy nhiều bệnh tật? Tại sao khi con người muốn say ngây ngất trong ái tình đắm đuối thì cùng lúc con người lại phải rỏ những giọt nước mắt chia ly đau xót nhất? Tại sao đội quân bên này có được vinh quang thắng trận thì đội quân bên kia phải chuốc lấy thảm họa? Tại sao con người thích xa hoa để rồi phải tủi nhục trong bần hàn? Tại sao con người thích sự thông thái để rồi thấy mình ngu dốt.
Con người có sinh ra để được hưởng hạnh phúc trọn vẹn không? Chúng ta hãy nghe câu trả lời đích đáng của Deter Wust: “Con người ở giữa trạng thái tâm lý và sinh lý, ở giữa đời sống và tinh thần. Nó không thỏa mãn trong sinh lý cũng như không thể tìm sự yên tĩnh tuyệt đối trong tâm lý”.
Vả lại, khi con người khát hạnh phúc chính là con người đã lựa chọn đau khổ rồi, bởi chính đau khổ - chứ chẳng phải cái gì khác sẽ xây nên nền móng của hạnh phúc. Đau khổ là một cơn khát của chính chiếc cổ họng khô cháy uống lấy những giọt nước mát lành – người ta càng khát, uống nước càng thấy ngon.
Vào lúc lâm chung của cuộc đời, Socrate ông tổ triết học đã dành giây phút cuối cùng để lý giải về ý nghĩa hạnh phúc cho các bạn bè của ông. Khi viên quản ngục tháo xích để ông được thư giãn đôi chút trước khi uống thuốc độc, khi bạn bè gãi cho ông chỗ ngứa phồng rộp lên do dây xích để lại, ông bảo: “Tôi cảm thấy khoan khoái quá bởi chính tôi có được chỗ ngứa đó nên khi gãi mới cảm thấy sướng”.
Hạnh phúc là vậy đấy, con người chỉ có thể có được nó trên nền tảng của đau khổ, giống như người ta phải có một chỗ thấp mới hy vọng đắp lên chỗ cao. Về điểm này Nietzche cũng nói: “Tất cả những vết thương đang tấy sưng một lớp da non”.
Hạnh phúc là gì? Là lý tính hay cảm tính? Khi một cơ thể bệnh hoạn cần phải giải phẫu trong đau đớn thì nó có cảm thấy hạnh phúc không? Tất nhiên là không. Bởi lẽ tự nhiên cơ thể chối bỏ sự đau đớn, chối bỏ con dao mổ đang cắt vào da thịt. Nhưng tại sao khi con bệnh được chữa khỏi, anh ta đã nói với viên bác sĩ rằng: “Cảm ơn ngài! Tôi hạnh phúc quá, tôi đã được ngài cứu sống. Sớm hơn nữa, tại sao người bệnh lại tìm đến thuốc đắng để dã tật và họ vừa nhăn mặt uống thuốc vừa tự nhủ “Ta hạnh phúc vì ta đã gặp được thuốc”. Hạnh phúc nếu là của lạc thú thân xác thì hạnh phúc đó sẽ chối bỏ đau đớn. Hạnh phúc nếu là của lý trí, thì hạnh phúc đó sẽ tìm chọn một cứu cánh, một giải pháp! Nhưng hạnh phúc chẳng phải của riêng thân xác cũng như lý trí, hạnh phúc là của con người toàn thể. Bởi vậy, hạnh phúc tìm kiếm một giải pháp toàn diện.
Hạnh phúc là gì? Nó là một huyền nhiệm mà kẻ đang trải qua không hiểu được đó là hạnh phúc mà nó chỉ nhận biết được đó là hạnh phúc toàn diện khi đã trải nghiệm qua. Một tình yêu chỉ đwọc coi như là hạnh phúc khi nó tựu thành trái ngọt cho lứa đôi, ngược lại, nếu nó tan vỡ trong đau đớn, người ta sẽ cho đó là bất hạnh. Một ca môt được coi như niềm hạnh phúc của người bệnh khi nó cứu sống được người bệnh, ngược lại, nó sẽ trở thành thảm họa. Bởi vậy, Aristote cho rằng người ta chỉ được coi như là hạnh phúc sau khi thẩm giá bằng một nhãn quan chung kết của cuộc đời, ông nói: “Liệu có kẻ nào được coi như là hạnh phúc khi đang sống? Chắc chẳng có ai như Solon nói, chúng ta phải nhìn vào kết cục”.
Cuộc sống là cuộc hành trình, là quá trình sinh sống gắn liền với hoạt động của con người, chứ không phải cuộc sống ngưng đọng ù lì của sự yên nghỉ: Cũng vậy, hạnh phúc là con đường khát vọng truy cầu hạnh phúc hơn là chính hạnh phúc. Muốn có hạnh phúc phải biết chủ động gieo cấy chờ đón những quả sung phù phiếm được chăng hay chớ của định mệnh. Con người hãy lựa chọn một thái độ sống cho hạnh phúc: “Hậu quả của hành động chân chính thì tinh khiết… và hậu quả quán tính thì ngu lâu”. (Kinh Gita 41)
Bằng một bản lĩnh phi thường của con người, bạn hãy biết hy vọng, hãy biết vượt thắng đau khổ. Hãy biết xây đỉnh non hạnh phúc từ chính vực thẳm đau khổ của mình. Peguy nói: “Hy vọng là điều độc nhất làm cho Thượng đế cũng phải kinh ngạc”.
Vượt lên tất cả khổ đau mà định mệnh dành cho bạn, bạn hãy vui sống lạc quan như một kẻ hành hương can trường đầy bản lĩnh đi giữa gió loạn cuộc đời. Hãy sống như lời nhắn nhủ của một thượng đế kiêu hùng: “Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn nạn thì sức lực con nhỏ mọn thay?” (Cựu ước)
Cuối cùng, như một Iliát, một Ô-đi-xê, chúng ta hãy mang lấy một bản lĩnh bi tráng hào hùng để nhìn thẳng vào thực tại cuộc đời. Cho dù cuộc đời có đau khổ như :”Nước mắt chúng sinh nhiều hơn bốn biển” (Đức Phật) thì chúng ta cũng chẳng ngại ngần gì mà không rỏ nước mắt để xây lên hạnh phúc chính đáng của mình. Doxtoiepxki nói: “Nếu nước mắt của con người tràn ngập các đại dương thì hạnh phúc ở đâu cũng có”.
Nếu nước mắt là con đường duy nhất của hạnh phúc? Nếu con người chẳng thoát khỏi con đường nước mắt để tạo dựng hạnh phúc của mình. Hãy khơi chảy tất cả các con sông để cho nước mắt chảy sôi cuồn cuộn. Hãy khóc để những đại dương trào lên những con sông thuỷ triều làm trầm lụt vũ trụ này! Hãy khó để cho khổ đau, cho sự giác ngộ về khổ đau trở nên ngày càng mênh mông lồng lộng! Và lúc đó, vũ trụ với những khổ đau bành trướng toàn vẹn sẽ trở nên thế giới của những tia sáng chói lòa hạnh phúc và những đám mây ngũ sắc bay bổng dạt dào hân hoan ở khắp các tầng trời. Bởi lẽ:
Đau khổ lớn dẫn đến giác ngộ lớn!
Giác ngộ lớn dẫn đến cứu cánh lớn!
Nguồn: Luận về tình yêuNguyễn Hoàng Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment khi thấy bài viết có ích! Chúc bạn vui vẻ!(*_*)